Máu toàn phần

1. Máu toàn phần là gì?

Máu toàn phần được thu gom từ người cho máu và chứa trong túi chất dẻo vô trùng có dung dịch chống đông và các chất bảo quản. Máu toàn phần có chứa hemoglobin với chức năng vận chuyển ô xy đến các tổ chức.

Máu toàn phần có gần như đầy đủ các thành phần của máu, gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và các thành phần của huyết tương. Tuy nhiên, không có yếu tố đông máu V và yếu tố VIII và không có tiểu cầu còn chức năng hoạt động, vì tiểu cầu sẽ không còn tồn tại sau một thời gian ngắn lưu trữ.

máu toàn phần

Một đơn vị máu hiện nay ở Việt Nam là 250 ml, 350 ml, có thể lên đến 450 ml. Dung dịch chống đông hiện nay là CPD-A1, 49 ml cho đơn vị 350 ml, 35 ml cho đơn vị 250 ml. Tỉ lệ máu/chống đông là 7/1. Lượng Hb không được dưới 10g/100ml.

Máu toàn phần giúp làm tăng khả năng vận chuyển ôxy, đồng thời góp phần tăng thể tích tuần hoàn. Vì vậy máu toàn phần được chỉ định điều trị tình trạng suy giảm khả năng vận chuyển ô xy kèm với các triệu chứng giảm thể tích tuần hoàn hoặc sốc giảm thể tích máu, mà hay gặp nhất là tình trạng mất máu cấp trong ngoại khoa và sản khoa.

Máu toàn phần được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ trong khoảng 2-6 độ C trong tủ lạnh chuyên dùng cho ngân hàng máu. Thời hạn bảo quản tối đa là 42 ngày trong dung dịch chống đông phù hợp như citrate phosphate dextrose có bổ sung adenine (CPD A-1). Máu toàn phần phải được truyền trong vòng 30 phút sau khi đưa khỏi tủ bảo quản ở 2-6 độ C và truyền xong trong vòng 4 giờ.

Ở những nước có điều kiện kinh tế, máu toàn phần được sử dụng hạn chế trong trường hợp cấp cứu hoặc mất máu với khối lượng lớn. Tuy nhiên, ở những nơi không có đủ điều kiện để sản xuất đủ các thành phần của máu, máu toàn phần được chỉ định rộng rãi, đặc biệt truyền trong những trường hợp cần phục hồi thể tích máu sau một tình trạng xuất huyết cấp tính như trong các trường hợp chảy máu đường tiêu hóa, chấn thương, những phẫu thuật lớn của ngoại khoa và sản khoa, mất máu nhiều trong thời gian ngắn như: xuất huyết cấp tính; Thiếu máu kèm theo suy giảm lượng máu; Thay thế hồng cầu trong mất máu cấp kèm theo giảm thể tích tuần hoàn (mất máu khối lượng lớn trên 30% thể tích máu, tương ứng với trên 1500 ml máu ở người có khối lượng khoảng 50 kg);  Truyền thay máu; Khi bệnh nhân cần truyền hồng cầu nhưng không có sẵn khối hồng cầu…

2. Những điểm cần chú ý khi truyền máu toàn phần

Máu toàn phần truyền cho bệnh nhân phải phù hợp nhóm ABO và RhD giữa người cho và người nhận, không được thêm bất cứ thuốc gì vào đơn vị máu đang truyền. Hoàn thành cuộc truyền trong 4 giờ.

Không khi nào được truyền chung một đường truyền tĩnh mạch các dược phẩm và dịch truyền cùng với máu, trừ dung dịch nước muối sinh lý. Vì các thuốc và dịch truyền có thể chứa các chất gây đông máu hay gây tan hồng cầu. Ngoài ra nếu có tai biến xảy ra trong quá trình truyền máu thì sẽ khó xác định nguyên nhân do máu hay dược phẩm hoặc do tác động tương tác của chúng.

máu toàn phần

 

Chống chỉ định

Chống chỉ định với bệnh nhân thiếu máu mạn tính, bệnh nhân suy tim

Không nên truyền máu toàn phần khi chỉ định truyền máu chỉ với một mục đích chống thiếu máu, nhất là khi có thể sử dụng các phương pháp điều trị thiếu máu khác như thuốc vitamin B12, sắt hoặc erythropoietin, đồng thời tình trạng lâm sàng bệnh nhân cho phép chờ đợi các phương pháp này phát huy tác dụng.

Truyền máu toàn phần cũng không nên chỉ định chỉ với mục đích làm tăng thể tích tuần hoàn hoặc làm tăng áp lực thẩm thấu tuần hoàn. Máu toàn phần cũng không có giá trị khi mục địch điều trị là điều chỉnh các rối loạn đông máu.

Nguồn : nhatkybe.vn

Bài viết khác