Thiếu máu - Dấu hiệu của bệnh gì?

Thiếu máu là tình trạng bất thường của các hồng cầu, bẩm sinh hoặc mắc phải, hay triệu chứng của một số bệnh không phải bệnh về máu. Khi thiếu máu, khối lượng hồng cầu trong máu giảm, trị số hemoglobin dưới 12 g/dl ở bệnh nhân nữ và dưới 13,5 g/dl ở bệnh nhân nam.

Vì sao bị thiếu máu? 

Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu: thiếu máu do thiếu chất sắt, chiếm tỷ lệ  25 - 35%. Bệnh xảy ra do bệnh nhân bị mất máu lâu ngày, như trường hợp phụ nữ mất máu nhiều khi hành kinh, bệnh nhân bị ung thư đại tràng mất máu do chảy rỉ rả trong thời gian dài, bệnh nhân bị bệnh giun móc… Do bệnh mạn tính cũng chiếm tỷ lệ 25 - 35% các trường hợp thiếu máu. Một số bệnh mạn tính ở gan, thận, tuyến nội tiết... cũng gây thiếu máu. Do tan huyết và tủy xương không tạo đủ tế bào máu chiếm 15%. Do bệnh myelodysplasia (10%); bệnh thalassemia (5 - 10%); các bệnh khác (5-10%) như bệnh thiếu vitamin B12, thiếu acid folic.

Dấu hiệu nào giúp phát hiện bệnh thiếu máu?

Một người bị bệnh thiếu máu tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ thiếu máu nhẹ hay nặng mà có các biểu hiện khác nhau như sau: nếu thiếu máu nặng nhưng diễn ra từ từ qua nhiều ngày tháng thì bệnh nhân vẫn không thấy triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi một bệnh nhân bị bệnh thiếu máu mà trị số hemoglobin (Hb) xuống dưới 7g/dl sẽ cảm thấy mau mệt, nhức đầu, khó thở, choáng váng, đau ngực. Nhìn da bệnh nhân thấy xanh xao, nhợt nhạt, mạch nhanh, nói hụt hơi. Nếu thiếu máu do các bệnh khác có thể thấy các dấu hiệu: nổi hạch bất thường (ung thư máu, ung thư hạch...); vàng da, vàng mắt trong bệnh gan, bệnh tan huyết...; gan và lách to trong bệnh gan, bệnh về máu; xương sờ thấy thốn đau (ung thư máu); trong phân có máu (ung thư dạ dày, đại tràng)... Xét nghiệm thấy Hb dưới 12g/dl, hematocrit dưới 36%) ở phụ nữ, và dưới 13,5g/dl, hematocrit dưới 41% ở nam. Đếm tế bào reticulocyte để đánh giá mức độ sản xuất hồng huyết cầu nhanh hay chậm, qua đó biết tủy xương đáp ứng trước sự thiếu máu. Nếu reticulocyte count thấp, chứng tỏ tủy xương không sản xuất đủ các hồng cầu. Trái lại, khi trị số này cao, suy ra đang có sự thất thoát hồng cầu quá mức như chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu đường sinh dục hoặc đang bị tan huyết, hủy hoại hồng cầu bất thường trong cơ thể. Đo MCV (Mean corpuscular volume - khối lượng trung bình của hồng cầu) để phân loại thiếu máu: thiếu máu hồng cầu có dạng nhỏ thì trị số MCV sẽ thấp, như trong trường hợp thiếu máu do thiếu sắt, do bệnh bẩm sinh thalassemia; thiếu máu hồng cầu có dạng bình thường, trị số MCV bình thường, gặp trong trường hợp thiếu máu vì có bệnh mạn tính; thiếu máu hồng cầu có dạng to, trị số MCV tăng cao như trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12, thiếu acid folic.     

Chữa trị và phòng bệnh

Việc điều trị thiếu máu cần điều trị nguyên nhân gây ra thiếu máu. Thiếu máu do thiếu sắt thì chủ yếu cần bổ sung chất sắt trong dược phẩm kết hợp chế độ ăn giàu chất sắt. Thiếu máu do bệnh mạn tính đa số không cần điều trị gì, chỉ một số ít cần truyền hồng cầu để chữa triệu chứng.  

Một số thuốc thường dùng để điều trị thiếu máu gồm: sắt, phụ nữ cần bổ sung mỗi ngày 15mg chất sắt, nam giới chỉ cần 10mg/ngày. Đối với thai phụ cần bổ sung chất sắt nhiều hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu của cơ thể người mẹ và cần cho sự phát triển của cơ hồng cầu của bào thai. Các chế phẩm chứa sắt có nhiều loại: sắt sunfat, sắt oxalat, sắt gluconat... nên uống khi no để tránh kích thích dạ dày. Phòng bệnh và điều trị thiếu máu do thiếu sắt bằng cách ăn nhiều thức ăn giàu chất sắt như: gan, tim, trứng, giá đậu, hoa quả, bông cải xanh...

Việc phòng bệnh thiếu máu chủ yếu là thực hiện chế độ ăn có đầy đủ chất sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6, B2… Phòng và chữa tích cực các bệnh gây thiếu máu như bệnh gan, thận, sốt rét, nhiễm khuẩn, giun móc, dùng thuốc điều hòa kinh nguyệt để hạn chế mất máu do hành kinh ở phụ nữ.

Nguồn : yhocsuckhoe.com

Bài viết khác

Tags: