U máu xuất hiện ở bề mặt da, nó sẽ trông giống như một trái dâu chín, nếu nó nằm ngay dưới da, nó sẽ có dạng một vết sưng màu xanh. Đôi khi nó còn xuất hiện ở những cơ quan nội tạng bên trong cơ thể như thanh quản.
1. Dấu hiệu nhận biết u máu
Các u máu thông nối với hệ tuần hoàn và chứa đầy máu. Hình dạng của chúng tùy thuộc vào vị trí xuất hiện cũng như độ lớn nhỏ. Nếu nó xuất hiện ở bề mặt da, nó sẽ trông giống như một trái dâu chín, nếu nó nằm ngay dưới da, nó sẽ có dạng một vết sưng màu xanh. Đôi khi nó còn xuất hiện ở những cơ quan nội tạng bên trong cơ thể như thanh quản.
U máu có thể hình thành trong lúc mang thai hoặc thường gặp nhất là xuất hiện một vài tuần sau sinh. Ban đầu, chúng thường bị chẩn đoán nhầm với vết sẹo hoặc vết bớt. Tuy nhiên hình thái lâm sàng của u máu rất thay đổi, có thể là một đám giãn mạch màu xanh xám, sẩn đỏ hay dát màu xanh. Dấu hiệu ban đầu dễ lẫn với các u sắc tố, thường bị bỏ qua trong tuần lễ đầu tiên. Nhưng chúng ta sẽ nhìn rõ hơn sau một thời gian chúng lớn lên. Hầu hết các trường hợp, u máu sẽ biến mất sau một khoảng thời gian.
Đôi khi chúng xuất hiện dưới dạng một vùng màu hồng hoặc màu đỏ. Tùy theo các dạng và vị trí của u mà chúng sẽ có các biểu hiện khác nhau: u máu trong da, u máu dưới da và hỗn hợp.
U máu trong da biểu hiện là một đám màu đỏ tươi, nổi hờ trên da bình thường, ranh giới u không rõ ràng. U máu dưới da là một vùng nổi gờ có màu sắc đỏ nhạt, nằm phía dưới của vùng da bình thường hay da xanh nhợt.
U máu thể hỗn hợp trong da và dưới da là loại u hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 75% các loại u máu, biểu hiện là một vùng đỏ nổi gờ trên một vùng da lành, sau đó vùng dưới da dần phát triển rộng xung quanh vùng u máu trong da. Thể u máu hỗn hợp thường chỉ xuất hiện ở một vài vùng trên cơ thể, hay gặp ở đầu, mặt, cổ.
Thể u máu trong da, phát triển kéo dài từ 3 - 6 tháng; thể u máu dưới da, phát triển dài hơn từ 8 - 10 tháng.
Trong giai đoạn phát triển, u máu tăng cả về thể tích và diện tích trên da. Khối u trở nên đỏ và lớn dần. Trường hợp u máu nằm ở các vùng da không được che chắn như mi mắt, môi, mũi thì ngoài vấn đề thẩm mỹ còn gây rối loạn về chức năng của trẻ. Thông thường, từ tháng thứ 8 trở đi, u máu sẽ không thay đổi về thể tích và màu sắc, mà ổn định như vậy cho tới khi trẻ được 18 - 20 tháng.
Đến giai đoạn thoái triển, u máu nhỏ dần, màu sắc nhạt dần. Kích thước của u máu càng nhỏ khi trẻ càng lớn, đến khi trẻ được 6 - 8 tuổi, ảnh hưởng của u máu chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà không có những rối loạn chức năng nào đáng kể.
2. Biến chứng
Hầu hết u máu là lành tính. Tuy nhiên, một số loại u, nhất là khi chúng xuất hiện ở các vị trí nhạy cảm và không có dấu hiệu nhỏ đi khi trẻ lớn lên, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng.
Biến chứng chảy máu là một biến chứng rất thường gặp khi u máu phát triển nhanh về thể tích. Các u máu nằm ở mi mắt, mũi, tai, miệng, hậu môn... thường gây ra những rối loạn nặng về chức năng cho đứa trẻ. Ngoài ra có thể gây loét và hoại tử vùng trung tâm khối u, bội nhiễm thứ phát sau khi có hoại tử khối u. Cụ thể với một số u:
- U máu ở họng, hạ họng nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời sẽ lan rộng hoặc xâm lấn vào các tổ chức sâu như thanh quản, có nguy cơ xảy ra các biến chứng như khó thở, chảy máu ồ ạt, khó cầm do vị trí khối u ở sâu. Những trường hợp này phải cắt bỏ thanh quản bán phần hoặc toàn phần để lấy hết bệnh tích, tránh tái phát.
- Vùng mí mắt và hốc mắt: Bệnh nhân có nguy cơ bị lão thị hay lác. Nếu sâu hơn thì có thể bị sụp mí và chèn ép thần kinh thị giác.
- Nếu u ở tuyến mang tai: Biểu hiện là một khối lớn ở mang tai, gặp nhiều nhất ở trẻ gái. U ở vị trí này thường được phát hiện sớm sau sinh, có thể gây biến dạng mặt nhưng dây thần kinh mặt không bị ảnh hưởng...
- U ở hàm trên hay dưới: It gặp nhưng nếu chẩn đoán và điều trị không đúng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (chảy máu niêm mạc số lượng lớn quanh một răng, răng liên quan bị sưng phù và đau). Nếu nhổ chiếc răng lung lay này, bệnh nhân có thể bị chảy máu dữ dội và tử vong.
Ngoài ra, trong quá trình can thiệp nội, ngoại khoa, u máu cũng có khả năng biến chứng thiểu dưỡng da và tổ chức dưới da, thiểu dưỡng xương hàm, lép nửa mặt, thoái hóa khớp gối, ngắn chi, lệch vẹo cột sống...
Nguồn : nhatkybe.vn