Điều trị bệnh thiếu máu

Nguyên tắc điều trị của thiếu máu thiếu sắt là bổ sung sắt hợp lý; truyền máu khi có chỉ định; loại bỏ nguyên nhân gây thiếu sắt nếu có thể; điều chỉnh và tăng cường dinh dưỡng, dự phòng thiếu máu thiếu sắt.

1. Bổ sung sắt

Bổ sung sắt qua đường uống

Cho trẻ uống các muối sắt, các muối Fe hoá trị 2 sẽ dễ hấp thu như: sulfat sắt, gluconat sắt, ascorbat sắt, fumarat sắt. Liều lượng có hiệu quả: 4 - 6 mg sắt nguyên tố/kg/ngày, chia 2-3 lần uống giữa các bữa ăn. Thời gian điều trị từ 6-8 tuần lễ, có thể dùng dài ngày hơn. Sắt phải được uống vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn. Nên cho thêm Vitamin C 0,1 g x 3 viên/ngày để sắt dễ hấp thụ.

Uống sắt có thể gây một số tác dụng phụ như buồn nôn, đau vùng thượng vị, ợ hơi nóng, táo bón hoặc ỉa chảy. Khi đó có thể giảm bớt liều hoặc uống cách xa bữa ăn.

Nếu điều trị đúng thuốc và đúng bệnh, sau 5-10 ngày tỷ lệ hồng cầu lưới sẽ tăng, Hb tăng 1,0-1,5 g/l/ngày.

Nếu không thấy có đáp ứng tăng hồng cầu lưới, tăng Hb sau uống sắt cần tìm thêm các nguyên nhân sau: trẻ không uống hoặc uống không đều, liều sắt chưa đủ, chế phẩm sắt không hiệu quả, nguyên nhân mất máu còn tồn tại, có bệnh ảnh hưởng đến hấp thu và sử dụng sắt ( như nhiễm khuẩn, bệnh ác tính, bệnh gan thận, hoặc ngộ độc chì phối hợp), rối loạn hấp thu ở dạ dày, ruột hoặc chẩn đoán thiếu sắt không đúng.

Bổ sung sắt qua đường tiêm

Rất hiếm khi dùng, chỉ được chỉ định trong trường hợp trẻ có hội chứng kém hấp thu, có bệnh ruột nặng mà sử dụng sắt uống có thể làm nặng thêm bệnh cơ bản ở ruột, có chảy máu mạn tính (như giãn mạch di truyền). Chế phẩm sắt Dextran thường được dùng nhiều, tiêm bắp, vừa an toàn hiệu quả, dung nạp tốt ở trẻ có bệnh cấp tính kể cả tiêu chảy cấp.

Một số bệnh nhân sẽ có tác dụng phụ khi tiêm như vết thâm ở chỗ tiêm, thường do tiêm vào tổ chức nông ở dưới da, chỉ tạm thời mất đi sau ít tuần hay tháng; Có thể có phản ứng viêm nhẹ tại chỗ, nôn, hoa mắt thoáng qua.

Bổ sung bằng truyền máu

Nói chung điều trị thiếu sắt không cần truyền máu. Chỉ định truyền hồng cầu khi Hb dưới 5 g/l cần hồi phục lượng Hb ở trẻ nhiễm khuẩn, có biểu hiện rối loạn chức năng tim hoặc cần nâng nhanh lượng Hb lên (khi phẫu thuật cấp cứu, nhiễm khuẩn nặng), cần có lượng Hb 9-10g/dl để đảm bảo gây mê an toàn, hay trường hợp suy tim do thiếu máu nặng, cần tăng lượng Hb để chống thiếu oxy. Liều truyền 10-15 ml/kg

Điều trị bệnh thiếu máu

2. Phương pháp điều trị

Tùy theo nguyên nhân mà có biện pháp điều trị thích hợp. Có rất nhiều nguyên nhân thiếu máu ở trẻ.

Phần nhiều nguyên nhân là do chế độ ăn chưa thích hợp, thiếu cân bằng dưỡng chất và thiếu sắt. Vì vậy cần điều chỉnh chế độ ăn thích hợp với lứa tuổi. Ngoài sữa cho trẻ ăn thêm các thức ăn như trứng, thịt, nhất là thịt bò, gan lợn, nhiều rau xanh, súp lơ xanh, các loại hạt, bí ngô. 

Nếu do các bệnh mạn tính đường ruột gây kém hấp thu sắt, trẻ cần phải được điều trị ngay. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân gây mất máu mạn tính như giun móc, chảy máu dạ dày do viêm... cũng gây thiếu máu thiếu sắt và cần nhanh chóng được bác sĩ can thiệp.

3. Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt

Đối với bệnh thiếu máu thiếu sắt, điều trị dự phòng là biện pháp chủ yếu và đơn giản.

Phụ nữ mang thai nếu thiếu máu sẽ có nguy cơ đẻ non, sinh con nhẹ cân, trẻ thiếu máu. Thời kỳ mang thai nhu cầu sắt ở phụ nữ tăng cao. Từ tháng thứ 2 trở đi phụ nữ mang thai cần 3mgFe/ngày. Bắt đầu lúc thai kỳ cần cung cấp sắt cho người mẹ bằng cách cho uống chế phẩm sắt và ăn đầy đủ nguồn cung cấp chất sắt.

Phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ dù chưa mang thai cũng nên uống bổ sung thêm viên sắt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tăng các thức ăn giàu vitamin C như rau xanh, quả chín vì vitamin C giúp tăng cường sự hấp thu sắt.

Trẻ thiếu tháng, song sinh và trẻ suy dinh dưỡng bào thai là nhóm trẻ có nguy cơ cao và phải được theo dõi về phương diện này 1 cách kỹ lưỡng. Trong sáu tháng đầu cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Nếu mẹ không có sữa, cho trẻ ăn sữa có bổ sung sắt. Thời kỳ trẻ ăn dặm, cho trẻ ăn cân bằng các nhóm thực phẩm, các thức ăn giàu sắt và vitamin C, các loại thịt cung cấp sắt dưới dạng hấp thu tốt.

Không uống cà phê, trà, sữa trong bữa ăn vì nó làm hạn chế sự hấp thu sắt. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, môi trường xung quanh sạch sẽ. Bên cạnh đó, nên tẩy giun định kỳ cho trẻ để phòng chống giun sán.

Nguồn : nhatkybe.vn

Bài viết khác