Từ trước đến nay, việc định typ HLA của người cho để so sánh với người nhận nhằm tìm nguồn tế bào gốc phục vụ ghép đã được tiến hành thường quy tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương và các mẫu bệnh phẩm thường là máu dây rốn, máu ngoại vi, tế bào ối…
Tuy nhiên, mới đây, lần đầu tiên tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam đã thực hiện thành công kỹ thuật Xét nghiệm HLA phôi (được thụ tinh nhân tạo).
Các gia đình đã có con bị bệnh Tan máu bẩm sinh sau khi được thụ tinh nhân tạo tại các cơ sở sản khoa, từ các phôi được hình thành sẽ được thực hiện xét nghiệm nhằm 2 mục đích: xác định phôi có mắc bệnh không và phôi có phù hợp HLA với bệnh nhân Tan máu bẩm sinh không để sau khi em bé ra đời sẽ có kế hoạch lưu trữ máu dây rốn phục vụ ghép tế bào gốc.
Xét nghiệm HLA trên tế bào phôi thực sự là một bước đột phá. Nếu như xét nghiệm HLA tế bào ối nhằm xác định được mức độ hòa hợp HLA của "người em" với anh (chị) cần ghép tế bào gốc khi em bé chưa ra đời thì xét nghiệm HLA phôi giúp tìm kiếm tế bào gốc phù hợp với bệnh nhân trước cả khi mang thai. Xét nghiệm sẽ giúp gia đình có con bị bệnh lựa chọn được phôi để sinh ra đứa trẻ vừa không mang bệnh, vừa có thể hiến tế bào gốc máu dây rốn cho anh (chị) của mình.
Nếu thụ tinh nhân tạo thành công thì bà mẹ không phải hồi hộp chờ đợi đến tận khi thai được khoảng 16 tuần tuổi trở lên mới tiến hành chọc ối, xét nghiệm, lúc này vừa có thể ảnh hưởng tới thai nhi, vừa có khả năng phải đình chỉ thai nghén nếu thai bị bệnh. Và lúc này cũng có thể xảy ra trường hợp thai nhi không bị bệnh nhưng lại không phù hợp HLA với anh (chị) mình.
Theo GS. TS. Nguyễn Anh Trí: "Việc thực hiện các xét nghiệm này là một sự sáng tạo của các cán bộ của Viện, vừa giúp bà mẹ không phải đình chỉ thai nghén và còn mở ra cơ hội không chỉ đối với bệnh nhân Thalassemia mà còn đối với nhiều bệnh khác”.
Nguồn : Viện Huyết học - Truyền máu Trung Ương